Chuyện mấy cuốn sách

Mấy hôm nay tôi tính mua một quyển sách mới phát hành gần đây vì mục đích công việc. Sau mấy lần tìm trên Tiki thì cuối cùng quyết định đi mua ở nhà sách. Số là tuần trước lên Tiki tìm thì không thấy, đến hôm nay tìm được với giá giảm 30% thì hết hàng hoặc chưa có hàng gì đó. Thế là tôi đành đi bộ ra Fahasa gần cty sau khi đi ăn trưa để mua.

  
Cũng đã lâu lắm rồi tôi không mua sách ở Fahasa nói riêng và nhà sách nói chung. Thường thì lên Tiki đặt hàng rồi ngồi run đùi chờ sách tới nhà thôi mà lại còn rẻ hơn Fahasa ít nhất 20%. Hôm đó, tôi mua ở Fahasa Tân Định trên đường Hai Bà Trưng (gần chợ Tân Định). Đón tôi ở cửa là một chú bảo vệ mặt đầy nghi ngờ và đề phòng thành phần đạo chích. Đi vào trong là một tập đoàn nhân viên trông cứ như các “siêu mẫu diễn mặt lạnh” (mà thật ra thì “mặt lạnh” của các siêu mẫu nước ta trông giống “mặt người bị bón 1 tuần” hơn). Tôi dáo dát đi xung quanh tìm quyển sách mình muốn thì cả nùi nhân viên đứng gần đó không ai buồn đến hỗ trợ hay hỏi 1 câu cho vui. Khi tính tiền ra về thì phải chờ cô thu ngân trong bộ áo dài màu hường cực sến lúc ấy đang kéo cao ống quần lên đầu gối gãi chân và chém gió với một đồng nghiệp nam khác khoảng 5 phút. Sau cô nàng ấy có thể vô ý vô tứ như thế khi tôi đang dứng lù lù trước quầy thu ngân. Thật là bó tay!

Quyển sách giá gần trăm ngàn. Cầm quyển sách trên tay đi về công ty, tôi chợt nghĩ phải chi mua ở Tiki thì tôi đã tiết kiệm được gần 30k (lúc đó Tiki đang giảm quyển này 30%) và không phải bực bội vì thái độ của nhân viên ở đó.  Rồi lại chợt nghĩ, một quyển sách có giá trị thật là bao nhiêu vì Tiki đã giảm quyển này đến 30% và có thể sẽ giảm nhiều hơn trong đợt chạy chương trình nào đó! Tại sao sách là thứ cần thiết cho cuộc đời mỗi người mà bị “làm giá” kinh khủng tới vậy? Tôi nghĩ không phải gia đình nào cũng có thể bỏ cả trăm nghìn mua một quyển sách cho con, em mình đọc khi có nhiều thứ vui, thú và miễn phí tràn lan. Mua giá nguyên gốc làm gì để rồi thỉnh thoảng những thứ đại diện cho văn hoá ấy lại bị đổ đống bán giảm giá rẻ mạt như những thứ đồ hư thối hoặc hết thời.

Tôi còn nhớ cách đây vài năm có một khảo sát rằng trung bình một người Việt Nam đọc khoảng 0,8 quyển sách mỗi năm. Xin thứ lỗi nếu tôi nhớ không chính xác con số nhưng con số đó thấp một cách ấn tượng cho một dân tộc luôn tự hào chăm chỉ, ham học, giàu văn hoá! Mà 2 năm nay tôi cũng chuyển sang đọc sách tiếng Anh là chủ yếu chứ sách ở ta giờ quá tệ, biên tập cẩu thả quá. Đến một công ty sách lúc trước nổi tiếng biên tập kỹ, dịch hay thì giờ cũng phải chạy theo miếng cơm và túi tiền để rồi chất lượng lao dốc không phanh. Thôi thì giờ cứ in sách tô màu nghệ thuật bán cho nhanh cho gọn nhỉ! Ai mà cần đến văn chương hoa mỹ nhân văn nữa! Thiệt là buồn cho sách…

À sẵn kể 1 chuyện về việc tôi đi mua sách ở Thái. Số là mỗi năm tôi đều được/bị bạn bè kéo đi Thái chơi. Tôi thường chọn những mùa vắng khách, không lễ hội để đi. Nếu khách đến Thái để mua sắm quần áo đồ đạc là chủ yếu thì tôi hầu chỉ có hứng đi lựa sách ở Kinokuniya. Lần nào cũng vác về cả chục quyển sách, tạp chí đủ kiểu mà nói k quá chứ tiền mua sách luôn chiếm khoảng 1/2 chi phí chuyến đi. Năm 2014, lúc tính tiền chồng sách tôi vác ra, đứa bạn đi chung hỏi nhân viên là mua nhiều vậy có được hoàn thuế hay không. Chị nhân viên đang tính tiến quay lên cười rồi nói sách có bị đánh thuế đâu mà hoàn. Điều đó làm tôi chợt nghĩ sách ở nước ta đánh thuế cao không? Sách nhập thì thuế bao nhiêu? Chứ còn ở Thái mua sách tiếng Anh rất dễ, nhiều và giá tương đương giá gốc trên bìa chứ không vượt trội nhiều. 

Cũng vì vậy mà 2 năm trở lại đây tôi hầu như đọc sách tiếng Anh vì chất lượng in ấn, giấy, biên tập đều rất tốt. Dù cho giá có cao hơn bản tiếng Việt ở nước ta nhưng bù lại chất lượng cao hơn rất nhiều so với cách làm ăn chụp giật trong nước…

Nghĩ cũng buồn quá ha! 

[Sách] Ngựa Thép – Phan Hồn Nhiên

Con Đường Tìm Lại Chính Mình
(Viết cho Esquire Vietnam số tháng 9-2015)

Cuộc đời luôn thử thách con người và làm họ thanh đổi

Phan Hồn Nhiên được biết đến với những tác phẩm mang phong cách kỳ ảo dành cho lứa tuổi teen như Máu hiếm, Chuỗi hạt Azoth, Luật chơi, Hiện thânNgựa thép (Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Giá bìa: 95.000 đồng) có lẽ là một tác phẩm khác biệt nhất của Phan Hồn Nhiên với những ý tưởng mới lạ và sâu sắc. Ngựa thép không là một tiểu thuyết dài mà gồm ba câu chuyện với những vấn đề khác nhau.

Phan Hồn Nhiên mở đầu Ngựa thép với Cơ thể. Đó là mối quan hệ vợ – chồng, mẹ – con, cha dượng – con vợ, chị – em và người yêu giữa người vợ tên Anna, người chồng tên Bách, người con là Sơn và cô em gái của Anna, Anne. Họ rơi vào vòng xoáy của những yêu thương, căm ghét, thù hận, tha thứ, bao dung, và quên lãng…

Tiếp theo là câu chuyện Bên bờ biển giữa hai anh em sinh đôi sống xa nhau nhiều năm. Người anh là một doanh nhân thành đạt, sống nguyên tắc và luôn cẩn trọng. Trái lại, người em luôn phiêu lưu, mạo hiểm và làm mọi việc một cách ngẫu hứng. Một ngày, hai anh em hẹn nhau trên một hòn đảo. Họ cùng ôn lại những kỷ niệm từ thuở nhỏ, những bí mật riêng tư. Họ phơi bày những nhận xét về nhau, những điều cả hai đã giấu trong lòng hàng chục năm qua.

Tập tiểu thuyết kết thúc bằng câu chuyện Pelikan với một nữ thiết kế đồ họa gặp tai nạn và bị mất một phần trí nhớ. Cô gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp hàng ngày và công việc vì đánh mất vốn ngôn từ cô tích góp sau bao năm sống. Số phận run rủi cô tìm đến nhà ngôn nữa trẻ S. để xây dựng lại kho ngôn từ của mình. Giáo trình S. chọn là quyển sách tên Pelikan kể về cuộc đời của một người đầu bếp. Mỗi buổi học, cả hai người cùng tìm hiểu một ít về cuộc đời của Pelikan, đồng thời cũng là một phần cuộc sống họ phải đối mặt hàng ngày.

Đặc điểm chung của cả ba câu chuyện là đều nói về những mối quan hệ giữa người với người. Chúng là quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em, những người xa lạ nhưng có cùng cảnh ngộ. Họ không có cuộc sống gia đình êm ấm, phải chật vật chống chọi với cuộc đời nguy khốn. Cuối cùng, có người bỏ cuộc nhưng cũng có người vẫn tiếp tục sống, tiếp tục chống chọi để tìm được hạnh phúc đời mình.

Ở tất cả câu chuyện, ngựa thép chỉ là nhân chứng trong một giai đoạn cuộc đời bão tố của câc nhân vật. Nó không dự phần vào số phận của họ nhưng lại có chỗ đứng trong tâm trí họ. Ngựa thép như một biểu tượng cho sự kiên cường, dám đương đầu và ước mơ của mỗi người. Họ mãi đi tìm chân lý sống, đi tìm hạnh phúc để tìm được bản ngã của chính mình.

Ngựa thép, Phan Hồn Nhiên dựng lên những nơi chốn mờ ảo, kỳ lạ đến mức người đọc khó có thể xác định được nơi chốn cho dù nó được gọi tên rõ ràng. Nó khiến người đọc bức bối, nghi ngờ không gian nhân vật sống của các nhân vật quá nghiệt ngã và khốn khó. Rồi những câu viết trúc trắc, khó hiểu càng làm tăng sự bức bối đó lên bội phần. Phan Hồn Nhiên dường như không nhân nhượng với nhân vật của mình khi đưa họ vào những hoàn cảnh khó khăn. Chị liên tục thử thách họ, nghiền nát họ để họ nghiệm ra được ý nghĩa của đời mình. Dù trong khung cảnh bình yên nhất cũng không khỏi vương chút cay đắng. Có phải vì bản chất cuộc sống cũng luôn khắc nghiệt như thế?

[Sách] Cơ bản là buồn – Nguyễn Ngọc Thuần

DES_ESQBOOKS

Viết cho Esquire Vietnam số tháng 6-2015

Tôi đọc Nguyễn Ngọc Thuần từ rất lâu. Quyển sách đầu tay được phát hành của anh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, dành cho thiếu nhi đã đoạt giải A cuộc thi Văn học Thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” lần 2. Đó là một quyển sách đong đầy sự ngây thơ, trong sáng của một đứa trẻ sống giữa một gia đình và những người hàng xóm tốt bụng. Qua thời gian, những câu chuyện của anh “lớn” dần và mang nhiều trăn trở, mang hơi thở thời đại và xã hội hơn. Tiểu thuyết là nỗi buồn từ hai chiến tuyến bởi chiến tranh xâm lược không chỉ gieo rắc đau thương, mất mát ở nơi bị xâm phạm. Cả hai phía đều có những nỗi buồn không thể gọi tên.

X, nhân vật chính, là một cô gái cá tính và tình cảm. X là một cựu bartender, DJ rồi cô chuyển sang làm công việc quan hệ với những khách hàng khó nhằn của một công ty để họ ký hợp đồng. Những bản hợp đồng được ký trên giường dần làm X mất mục tiêu của cuộc đời mình. Duyên số đưa đẩy X đến công việc phiên dịch và làm hướng dẫn viên nghiệp dư cho những cựu binh từng tham chiến tại miền Nam thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bản thân X cũng là con rơi của một chiến binh Mỹ với mẹ mình và chính điều đó đã tạo nên một mối liên kết vô hình, một sự đồng điệu giữa cô và các cựu binh.

Có nhiều lý do khiến các cựu binh năm xưa hăm hở quay lại nơi mình từng gieo chết chóc sau khi cuộc chiến kết thúc nhiều năm. Họ bị chiến tranh, bom đạn, cái chết ám ảnh. Những thứ đó bám theo họ hàng chục năm không buông tha và tạo nên một thứ thương tật tâm lý không thể chữa lành. Họ muốn về lại nơi mọi thứ khởi nguồn để mong có một kết thúc cho những ám ảnh năm xưa. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn còn lưu dấu và thậm chí dấu ấn của nó đã in hằn quá sâu đến mức khó có thể xóa nhòa. Những hồ nước bị nhiễm độc, những đứa trẻ dị dạng, căn bệnh ung thư, những cái chết đau đớn, sự ghẻ lạnh của người đời chính là bóng ma chiến tranh còn đang lởn vởn. Các cựu binh quay lại và đối diện với bóng ma ấy, rồi họ bị nó ám nặng hơn, khó thoát ra hơn.

Trong hoàn cảnh đó, X gặp John với biệt danh Mỹ Ngáp, một cựu binh Mỹ, và vợ ông. John muốn về lại huyện Vĩnh Cửu, Biên Hòa, để thăm lại nơi ông chiến đấu. Hơn hết, ông muốn chữa lành vết thương trong tâm của mình. Tuy nhiên, một người thông báo rằng John có một đứa con rơi với người đàn bà tên Huệ. Đứa con rơi ấy là kết cục buồn thảm của một cuộc tình giữa người phụ nữ Việt và một chiến binh. Đứa con mang di chứng chất độc màu da cam được đặt cho cái tên có phần trớ trêu: Hữu Nghị.

Nguyễn Ngọc Thuần mang lối viết đặc trưng của mình vào Cơ bản là buồn. Những câu chuyện lần lượt trôi theo tuyến tính thời gian, không quá nhanh cũng chẳng quá chậm. Nó như một dòng suy nghĩ và cảm xúc dâng lên theo thời gian rồi bột phát và bình lặng vào phút cuối. Những đoạn đối thoại giữa X và John cũng như những người xung quanh cô đôi khi như lời độc thoại nội tâm của chính cô. Những trường đoạn ấy làm người đọc cảm nhận sâu sắc hơn những suy nghĩ về hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược và những nỗi đau mà nó để lại. Nội dung quyển sách không chỉ gói gọn trong câu chuyện hậu chiến và hậu quả của nó. Nguyễn Ngọc Thuần còn “thổi” vào nó những câu chuyện đậm tính thời đại: tình yêu đôi lứa, sự đánh đổi của tuổi trẻ, đam mê và lý tưởng sống. Những đề tài này tuy chỉ được đề cập thoáng qua nhưng đủ dựng nên một bức tranh đa sắc trong cuộc sống những người trẻ.

Cơ bản là buồn dĩ nhiên sẽ mang đến cho người đọc những nỗi buồn khó có thể diễn tả. Nguyễn Ngọc Thuần từng tâm sự trên Esquire rằng: “Tôi chưa bao giờ có ý định viết về chiến tranh, bởi không biết gì về nó. Cho đến khi tôi trực tiếp gặp cậu bé tên là Hữu Nghị, một nạn nhân chất độc màu da cam. Một câu hỏi được đặt ra là, nếu cháu là con tôi, thì tôi sẽ nghĩ thế nào?”. Vậy còn cựu binh John nghĩ thế nào về đứa con rơi không nguyên vẹn của mình? Còn bạn, bạn nghĩ gì khi có một đứa con như thế? Bạn sẽ thương xót, đau đớn, giận dữ, xa lánh hay sẽ yêu thương đứa trẻ hết lòng?

Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu nhưng dấu vết của nó vẫn mãi còn hằn sâu trong tâm trí của nhiều người, nhiều thế hệ. Nó ám ảnh cả hai phía ở hai bờ chiến tuyến chứ không chỉ bên bị xâm lược. Cách tốt nhất để chiến tranh đi qua là quên lãng nó, tha thứ và yêu thương những con người bị nó ám ảnh.

[Sách] Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage – Haruki Murakami

Chuyến Hành Hương Tìm Về Quá Khứ

(Viết cho Esquire số tháng 1+2-2015)

10691837_176810552489383_1669808483_n

Có người chọn cách chôn vùi quá khứ để tiếp tục cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có thể làm thế

Nếu bộ tiểu thuyết 1Q84 của Haruki Marakami khơi gợi nhiều suy nghĩ về tình yêu, định mệnh và số phận của con người. Quyển tiểu thuyết mới nhất Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage (bản tiếng Việt có nhan đề Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương) của Murakami mang đến một câu chuyện về tình bạn, sự hy sinh, cảm thông trong xã hội hiện đại.
Tsukuru Tazaki là một kỹ sư chuyên thiết kế và xây dựng các ga tàu điện ở Tokyo, Nhật Bản. Thời trung học, Tsukuru chơi thân với một nhóm bạn có hai nam và hai nữ. Điểm chung của cả bốn người bạn là tên của họ đều có một màu sắc: Aka (Đỏ), Shiro (Trắng), Ao (Xanh), Kuro (Đen). Riêng Tsukuru có tên không liên quan đến sắc màu. Khi cả nhóm tốt nghiệp trung học, họ đều chọn học đại học và làm việc ở quê nhà. Tsukuru “không màu” chuyển đến Tokyo để theo đuổi ước mơ xây dựng ga tàu điện ngầm của mình. Tuy đi học xa, Tsukuru vẫn thường xuyên về quê để gặp nhóm bạn của mình bất kỳ khi nào có thể. Đến một ngày, cả bốn người bạn đồng loạt cắt đứt liên lạc với Tsukuru và nói rằng họ không muốn gặp anh ta nữa. Điều gì đã khiến Tsukuru bị quay lưng như thế? Trong xã hội Nhật Bản đầy áp lực, con người sống dựa vào niềm tin và tình cảm. Việc mất đi một mối quan hệ sâu sắc sẽ làm một người tìm đến cái chết. Chúng ta không khó để hiểu vì sao Nhật Bản là một trong những nơi có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới .
Tsukuru không tự tử dù anh liên tục nghĩ đến cái chết. Nhưng con người thật của anh đã “chết” từ ngày xảy ra sự việc. Cái chết không giết anh ngay, nó gặm nhấm, bào mòn sức sống của Tsukuru. Nó biến anh thành một cái “xác sống” không cảm xúc, không tình yêu, không mục đích. “Chuyến hành hương” là hành trình tìm lại nguyên nhân mà anh bị quay lưng. Đó là con đường Tsukuru “không màu” phải đi để tìm lại “màu sắc” của mình .
Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage có thể xem là tác phẩm khác biệt nhất của Murakami. Ở quyển sách này, ông không sử dụng thủ pháp kể chuyện với hai tuyến nhân vật song song và những chi tiết bí ẩn, huyễn hoặc thường thấy. Thay vào đó, ông kể một câu chuyện bình thường về một người đàn ông thành thị với những suy nghĩ sâu sắc và cảm quan tinh tế.
Bạn sẽ không tìm thấy những chuyến hành trình vào cõi mộng hoặc chu du sang một thế giới song song. Những gì bạn tìm thấy trong chuyến “hành hương” của Tsukuru là một cuộc sống bình dị của một công chức văn phòng kiểu mẫu ở Nhật Bản hiện đại. Những người bạn, người quen lần lượt xuất hiện rồi ra đi để lại cho Tsukuru những bài học, kinh nghiệm sống và hoài niệm không phai.
Đó hẳn là điều bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua và điều quan trọng không phải là ai ở lại hay ai ra đi. Vấn đề là họ còn “lưu dấu” trong tâm trí chúng ta bao lâu, còn khiến chúng ta trăn trở, băn khoăn về họ bao lâu. Có những điều tưởng chừng như đã bị chôn vùi bởi thời gian nhưng thực sự lại vẫn đang tồn tại và có sức nặng không tưởng. Cũng như Tsukuru, chúng ta phải lần giở quá khứ để khai quật nó lên, xem xét và hiểu rõ để có thể đi tiếp hành trình tương lai của mình. Có lẽ chưa bao giờ Haruki Murakami viết một tiểu thuyết đơn giản nhưng nhiều trăn trở đến vậy. Những vấn đề ông đặt ra không mới nhưng nó sẽ làm người đọc phải chiêm nghiệm lại cuộc đời của mình. Hãy cùng thực hiện một chuyến “hành hương” về quá khứ để nhìn lại những gì được và mất trong đời mình.

[Sách] Dạ Khúc – Kazuo Ishiguro

Những Khúc Nhạc Đời

(Viết cho Esquire số tháng 9-2014)

STU_110714_ESQ_Sach015_AnhDung

Bất cứ sự nổi tiếng hay thành công nào cũng có cái giá của nó. Liệu chúng ta có sẵn sàng đánh đổi?

Dạ Khúc – Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông là tập truyện ngắn đầu tiên của tác giả Kazuo Ishiguro. Tựa đề quyển sách gợi lên cảm giác buồn và trầm lắng với những cuộc đời và số phận khác nhau trên nền những bản nhạc du dương.
Tập truyện bắt đầu với câu chuyện tay guitar tên Jan bắt gặp ca sỹ Tony Gardner, người luôn được mẹ anh ái mộ. Tony đến Ý cùng vợ mình để hưởng thụ chuyến đi nghỉ cuối cùng trong cuộc hôn nhân của họ. Tony nhờ Jan đệm đàn để ông có thể hát tặng vợ mình khi bà đứng ở ban-công khách sạn. Khi họ kết thúc chuỗi bài hát của mình, vợ Tony vẫn ở trong phòng và khóc. Những bài hát như một lời chia tay cuộc sống hôn nhân của Tony và vợ mình. Dù có yêu nhau, thương nhau cách mấy, họ vẫn không thoát được số phận và sự xô đẩy của cuộc đời.
Tiếp theo là bốn câu chuyện về những con người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Họ thành đạt, họ tài năng nhưng cuộc đời đẩy họ vào những ngã rẽ bất ngờ để rồi họ phải lựa chọn giữa đam mê và tiền bạc, tình yêu và danh vọng. Nhưng mấy ai có đủ dũng cảm để theo đuổi giấc mơ của cuộc đời mình tới cùng khi cuộc sống vẫn đầy rẫy bất công.
Dù ở nơi nào trên thế giới này, trong một căn gác nghèo, một căn hộ cao cấp hay khách sạn xa hoa, chúng ta vẫn thấy những người trẻ tuổi đầy ắp mộng mơ và hoài bão. Họ là những người sống với niềm đam mê âm nhạc của mình nhưng rồi thời hoàng kim đã qua hay cơ hội đổi đời vẫn chưa đến. Có người bỏ quên niềm đam mê của mình để đi một con đường khác. Trong một khoảng khắc định mệnh, họ nhìn lại và tự hỏi rằng liệu mình đang sống cuộc đời của bản thân hay một ai khác.
“Đêm buông” là lúc chuyển đổi giữa ngày và đêm. Kazuo đã lựa chọn khoảnh khắc cho các tập truyện của mình như hàm ý về sự đổi thay trong cuộc đời các nhân vật. Đó là lúc họ phải quyết định ngã rẽ cho chính mình. Một nhạc công saxophone bị vợ ly dị phải chọn lựa phẫu thuật thẩm mỹ để mong nổi tiếng. Một cặp vợ chồng trẻ phải lựa chọn giữa sự nghiệp và tình yêu. Một nghệ sỹ guitar có khả năng sáng tác tốt phải lựa chọn giữa phong cách cá nhân và thị trường. Tất cả những nhân vật đều phải giằng co giữa các lựa chọn trong thời khắc quyết định của cuộc đời mình.
Kazuo sử dụng lối viết đơn giản, rời rạc và ít cảm xúc để kể lại những câu chuyện đời thường. Dạ Khúc – Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông mang màu sắc ảm đạm với nhiều tiếc nuối nhưng vẫn có những nốt vui và lấp lánh hy vọng. Dù khung cảnh trong các câu chuyện được lập đi lập lại với ban-công, khách sạn, căn hộ, quảng trường nhưng vẫn không nhàm chán. Các nhân vật được xây dựng đa dạng, nhiều màu sắc và cá tính.
Năm câu chuyện nhẹ nhàng, tinh tế và súc tích nhưng đầy ám ảnh. Dù đêm buông, dòng đời có xô đẩy rồi thì ngày mới cũng sẽ lên để mang đến những niềm hy vọng mới và con đường mới cho cuộc đời của mỗi người. Đó cũng là lúc chúng ta tự hỏi: Mình đã sống trọn vẹn đam mê hay chưa?