Sống có mệt không?

Nhiều khi mình thấy sống trong xã hội bây giờ mệt quá! Còn bạn thì sao?


Mệt không phải vì chuyện cơm áo gạo tiền mà do những thứ xã hội thực lẫn ảo áp đặt lên chúng ta. Nào là phải những nơi phải đến trong đời, những chuyến đi phải thực hiện trong đời. Những cuốn sách phải đọc. Những bộ phim phải xem. Nhưng việc phải làm trước 20, 30, 40, 50, 60, 70 tuổi. Những cung đường phải chinh phục. Phải 4 cực – 1 đỉnh. Những món ăn phải ăn. Những món rượu phải uống. Tất cả những thứ mình vừa liệt kê chỉ là vài ví dụ trong hàng nghìn thứ mà xã hội ảo áp đặt lên chúng ta vì đó là những thứ PHẢI LÀM TRONG ĐỜI. Nếu một ngày không được đẹp trời cho lắm (như sáng nay lúc mình viết entry này chẳng hạn), bạn chợt ngồi nghĩ lại những thứ mình đã và đang làm rồi so nó với những tiêu-chuẩn-vàng kia thì sẽ tự cảm thấy nhục nhã vì cuộc đời toàn thất bại thảm hại, chả có đáng sống và chỉ muốn chết liền ngay và lập tức cho rồi.

Đó là chưa nói đến những điều thế giới thực áp đặt lên chúng ta. Bạn có bao giờ bị áp lực phải được học sinh giỏi, phải ở trong top 5 hoặc top 3 của lớp, hay thậm chí phải đứng nhất lớp không? Bạn có bao giờ muốn cúp học một bữa nhưng vì cái sự con ngoan – trò giỏi mà chưa bao giờ dám “bùng” lớp? Đã có lúc nào đó bạn chỉ muốn táng vào mặt cái đứa bạn đang huyên thuyên trước mặt mình nhưng không bao giờ làm vì phải thảo mai thảo mộc với nhau? Hoặc giã có lúc nào đó bạn chỉ muốn hét lên giữa cuộc họp đại-gia-đình rằng “đừng xía vào đời tui nữa” khi họ hàng, dòng tộc cứ thúc giục có bồ, lập gia đình? 


Nói đến đây là thấy mệt quá mệt rồi muốn chết quách cho đẹp trời nhỉ!

Mình luôn nghĩ: “Fuck off all the standards!” Vì chẳng thấy thứ gì có thế áp vô đời mình được cả. Một ví dụ rất điển hình: mình rất thích đọc sách và một năm đọc không dưới 20 quyển sách các thể loại cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh (cao hơn số sách trung bình một người Việt đọc hàng năm khá nhiều). Nhưng mình chưa đọc quá 10% trong danh sách những cuốn phải đọc trong đời. Coi bộ đó là một sự thất bại siêu hoành tráng khổng lồ của một đứa thích đọc sách đấy. FUCK OFF! Mìn thích đọc gì thì đọc chứ chẳng cần phải chờ ai đó đưa ra một tiêu chuẩn phải đọc trong đời cho mình mò theo. 

Có nhiều bạn bè cứ luôn thắc mắc vì sao mình luôn vui vẻ, ít khi sầu thảm như chúng nó. Bí quyết rất đơn giản: Làm điều mình thích và làm thật tốt. Vậy đó. Đời mỗi người dài ngắm khác nhau nhưng túm chung lại thì vẫn là ngắn. Đâu có lý do gì mà cứ chạy theo mấy cái tiêu chuẩn xàm xí của mấy thứ thích chứng tỏ, thích thể hiện để cho thiên hạ thấy mình thành công hay đời mình đáng sống. Mình chả bao giờ có ý nghĩ sẽ đọc hết mấy cuốn sách phải đọc trong đời hay chinh phục 4 cực – 1 đỉnh khỉ khô gì đó đâu. Đời mình đáng giá là mỗi khi cùng nguyên nhóm “chiến đấu” ở cty cho hết công việc. Cuộc đời mình thành công là sống với người yêu mỗi ngày và làm được những điều mình đã hứa với người ấy. Chỉ cần như vậy thôi thì đã đủ vui và hạnh phúc hơn là làm mấy chuyện chạy theo phong trào kia. 

Sống cho mình chứ có phải cho thiên hạ hay mạng xã hội đâu mà phải cố “mặc” cho vừa “tấm áo” thiên hạ may cho họ chứ không phải cho mình. Vậy thì bản thân phải thấy thoải mái, vui, hạnh phúc mỗi khi làm cái gì đó trước đã. Chúng sinh nói gì cứ mặc kệ!

Những người không trọn vẹn

Có một chuyện cứ lẩn quẩn trong đầu tôi suốt cả tuần nay mà chẳng thể nào ngưng nghĩ về nó được. Rồi trưa nay, tôi lại gặp một chuyện tương tự và nó lại làm tôi suy nghĩ. Đó là chuyện về hai người khuyết tật mà tôi gặp trong tuần này.

Người đầu tiên tôi gặp ở cửa hàng Circle K  gần công ty. Hôm ấy, đi loanh quanh không biết ăn gì cho bữa trưa muộn, tôi ghé vào Circle K mua mì trộn mang về văn phòng vừa làm vừa ăn. Đón tôi ở quầy thu ngân là một nhân viên đội nón hơi sụp xuống, giọng hơi yếu (có lẽ anh k nhỏ hơn tuổi tôi là mấy nên từ lúc này xin gọi là anh). Anh lấy yêu cầu món ăn của tôi, tính tiền rồi thối tiền lại một cách hơi lúng túng. Lúc ấy, tôi nghĩ có lẽ đây là nhân viên mới (vì thường mua mì ở đây mà chưa gặp lần nào) nên thoải mái, không hối thúc gì cả. Sau khi thanh toán tiền, anh bước sang quầy chế biến mì, hỏi kỹ càng yêu cầu cách làm mì, chiên trứng, rau của tôi thế nào rồi mới bắt đầu thực hiện. Tôi kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi của anh và trong đầu vẫn nghĩ đó là nhân viên mới nên cẩn thận như vậy cũng tốt. Khi anh trụng mì, tôi ngỡ ngàng nhìn rồi tim gần như thắt lại, trong đầu nổ ra nhiều câu hỏi khác nhau khi thấy một bàn tay của anh bị mất ngón cái và da bàn tay ấy có sẹo như từng bị bỏng nặng hoặc dính acid mạnh. Thấy cảnh anh làm phần mì một cách từ tốn, kiên nhẫn và rất có tâm, tôi mới nhìn anh kỹ hơn một chút thì mới nhận ra chiếc nón lưỡi trai đội sụp xuống để che đi chiếc kính và một con mắt trắng đục. Nhìn anh loay hoay với phần mì, tôi cười như để động viên anh và tỏ ý rằng anh chứ từ từ, không cần phải gấp làm gì. Khi anh làm xong, đóng hộp rồi giao hàng, tôi cười, cảm ơn anh và anh cũng cười đáp lại. Trên đường về công ty, trong đầu tôi lại nổ ra nhiều câu hỏi mà chẳng biết phải trả lời thế nào cho đúng…

Người thứ hai thì tôi vừa gặp ở tiệm sushi Hokkaido Sachi trên đường Nguyễn Trãi khi đi ăn với ba mẹ lúc trưa nay. Anh là nhân viên giữ xe ở quán. Lúc đi vào, tôi đang vội nên chỉ lấy thẻ xe mà không để ý. Khi ra về, tôi đưa thẻ và chỉ chiếc xe của tôi. Thông thường, nhân viên sẽ dắt xe theo hướng khách muốn đi như ở những quán khác. Tuy nhiên, khi anh đứng lên, bước tới chiếc xe của tôi thì tôi cảm thấy ái ngại và xấu hổ vô cùng. Chân anh bị tật, dáng đi xiêu vẹo giữa trời nắng để dắt xe cho một đứa lành lặn như tôi… Tôi ái nói với anh hãy để tôi tự dắt nhưng anh vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Tôi phải công nhận anh dắt xe rất gọn và có nghề dù chiếc xe của tôi nặng như quỷ. Trên đường về lại văn phòng, tôi lại suy nghĩ đủ chuyện đến mức rẽ nhầm đường.

Hai người đàn ông với hình hài không trọn vẹn đó làm tôi nghĩ đến những kẻ lành lặn nhưng không chịu làm việc, ăn bám xã hội hay đi ăn xin, nhờ cậy lòng trắc ẩn của người khác. Những người khuyết tật mà còn đi làm kiếm sống, để không phải dựa dẵm vào ai khác trong khi nhiều thành phần chỉ biết ăn không ngồi rồi, làm anh hùng bàn phím và những chuyện không đâu.

Tôi cũng thấy thích những nơi chấp nhận thuê nhân viên khuyết tật để tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm để kiếm sống và ngẩn mặt nhìn đời chứ không phải dựa vào sự thương hại của bất kỳ ai. Không phải công ty nào, quản lý nào cũng đủ kiên nhẫn và lòng nhân ái để chấp nhận những nhân viên như thế vì hiệu quả công việc của họ sẽ khó có thể bằng các nhân viên bình thường, khách hàng có thể sẽ không hài lòng khi phục vụ chậm hoặc có sai sót. Tôi nghĩ họ đã phải rất tâm huyết thì mới làm đc vậy nhất là trường hợp của anh nhân viên ở Circle K.

Tôi thực sự thán phục hai người đàn ông mà tôi may mắn gặp trong tuần qua. Họ dạy tôi biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa, làm việc tốt hơn nữa và không bao giờ được bỏ cuộc. Nếu một người có thân thể không nguyên lành mà vẫn đi làm, kiếm tiền, vui sống thì không lý gì một kẻ lành lặn mạnh khoẻ như tôi và nhiều người khác trong xã hội này lại không làm được. Họ đúng là những người đàn ông chân chính và chuẩn mực. 

Chuyện mấy cuốn sách

Mấy hôm nay tôi tính mua một quyển sách mới phát hành gần đây vì mục đích công việc. Sau mấy lần tìm trên Tiki thì cuối cùng quyết định đi mua ở nhà sách. Số là tuần trước lên Tiki tìm thì không thấy, đến hôm nay tìm được với giá giảm 30% thì hết hàng hoặc chưa có hàng gì đó. Thế là tôi đành đi bộ ra Fahasa gần cty sau khi đi ăn trưa để mua.

  
Cũng đã lâu lắm rồi tôi không mua sách ở Fahasa nói riêng và nhà sách nói chung. Thường thì lên Tiki đặt hàng rồi ngồi run đùi chờ sách tới nhà thôi mà lại còn rẻ hơn Fahasa ít nhất 20%. Hôm đó, tôi mua ở Fahasa Tân Định trên đường Hai Bà Trưng (gần chợ Tân Định). Đón tôi ở cửa là một chú bảo vệ mặt đầy nghi ngờ và đề phòng thành phần đạo chích. Đi vào trong là một tập đoàn nhân viên trông cứ như các “siêu mẫu diễn mặt lạnh” (mà thật ra thì “mặt lạnh” của các siêu mẫu nước ta trông giống “mặt người bị bón 1 tuần” hơn). Tôi dáo dát đi xung quanh tìm quyển sách mình muốn thì cả nùi nhân viên đứng gần đó không ai buồn đến hỗ trợ hay hỏi 1 câu cho vui. Khi tính tiền ra về thì phải chờ cô thu ngân trong bộ áo dài màu hường cực sến lúc ấy đang kéo cao ống quần lên đầu gối gãi chân và chém gió với một đồng nghiệp nam khác khoảng 5 phút. Sau cô nàng ấy có thể vô ý vô tứ như thế khi tôi đang dứng lù lù trước quầy thu ngân. Thật là bó tay!

Quyển sách giá gần trăm ngàn. Cầm quyển sách trên tay đi về công ty, tôi chợt nghĩ phải chi mua ở Tiki thì tôi đã tiết kiệm được gần 30k (lúc đó Tiki đang giảm quyển này 30%) và không phải bực bội vì thái độ của nhân viên ở đó.  Rồi lại chợt nghĩ, một quyển sách có giá trị thật là bao nhiêu vì Tiki đã giảm quyển này đến 30% và có thể sẽ giảm nhiều hơn trong đợt chạy chương trình nào đó! Tại sao sách là thứ cần thiết cho cuộc đời mỗi người mà bị “làm giá” kinh khủng tới vậy? Tôi nghĩ không phải gia đình nào cũng có thể bỏ cả trăm nghìn mua một quyển sách cho con, em mình đọc khi có nhiều thứ vui, thú và miễn phí tràn lan. Mua giá nguyên gốc làm gì để rồi thỉnh thoảng những thứ đại diện cho văn hoá ấy lại bị đổ đống bán giảm giá rẻ mạt như những thứ đồ hư thối hoặc hết thời.

Tôi còn nhớ cách đây vài năm có một khảo sát rằng trung bình một người Việt Nam đọc khoảng 0,8 quyển sách mỗi năm. Xin thứ lỗi nếu tôi nhớ không chính xác con số nhưng con số đó thấp một cách ấn tượng cho một dân tộc luôn tự hào chăm chỉ, ham học, giàu văn hoá! Mà 2 năm nay tôi cũng chuyển sang đọc sách tiếng Anh là chủ yếu chứ sách ở ta giờ quá tệ, biên tập cẩu thả quá. Đến một công ty sách lúc trước nổi tiếng biên tập kỹ, dịch hay thì giờ cũng phải chạy theo miếng cơm và túi tiền để rồi chất lượng lao dốc không phanh. Thôi thì giờ cứ in sách tô màu nghệ thuật bán cho nhanh cho gọn nhỉ! Ai mà cần đến văn chương hoa mỹ nhân văn nữa! Thiệt là buồn cho sách…

À sẵn kể 1 chuyện về việc tôi đi mua sách ở Thái. Số là mỗi năm tôi đều được/bị bạn bè kéo đi Thái chơi. Tôi thường chọn những mùa vắng khách, không lễ hội để đi. Nếu khách đến Thái để mua sắm quần áo đồ đạc là chủ yếu thì tôi hầu chỉ có hứng đi lựa sách ở Kinokuniya. Lần nào cũng vác về cả chục quyển sách, tạp chí đủ kiểu mà nói k quá chứ tiền mua sách luôn chiếm khoảng 1/2 chi phí chuyến đi. Năm 2014, lúc tính tiền chồng sách tôi vác ra, đứa bạn đi chung hỏi nhân viên là mua nhiều vậy có được hoàn thuế hay không. Chị nhân viên đang tính tiến quay lên cười rồi nói sách có bị đánh thuế đâu mà hoàn. Điều đó làm tôi chợt nghĩ sách ở nước ta đánh thuế cao không? Sách nhập thì thuế bao nhiêu? Chứ còn ở Thái mua sách tiếng Anh rất dễ, nhiều và giá tương đương giá gốc trên bìa chứ không vượt trội nhiều. 

Cũng vì vậy mà 2 năm trở lại đây tôi hầu như đọc sách tiếng Anh vì chất lượng in ấn, giấy, biên tập đều rất tốt. Dù cho giá có cao hơn bản tiếng Việt ở nước ta nhưng bù lại chất lượng cao hơn rất nhiều so với cách làm ăn chụp giật trong nước…

Nghĩ cũng buồn quá ha! 

vì yêu thương không cần điều kiện

Khi tôi bắt đầu viết bài này thì bạn người yêu đang tắm. Sau đó thì sao? Có lẽ hầu hết người đọc đang cho ‘trí tưởng tượng bay xa’ rồi! Thật ra thì sau đó chúng tôi sẽ cùng nhau đi ăn sáng rồi đi làm ở hai văn phòng khác nhau, ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

Tôi không biết cảm giác yêu thương một người có khác nhau ở mỗi con người hay không, nhưng với tôi, đó là một cảm giác đặc biệt kỳ lạ. Có một tối tôi đi uống cafe với anh bạn, rồi anh chợt hỏi tôi một câu trên đường về: “Hai đứa bây yêu nhau thì lúc cãi nhau, ai sẽ nhường ai?”. Thực sự đây là một câu khó trả lời vì chẳng ai muốn mình thua người khác cả. Với chúng tôi, ai đúng thì người kia thua. Còn không ai đúng hoặc ai cũng đúng ở một mức độ nào đó thì tôi sẵn sàng nhường. Cái nhường ở đây không phải vì ai đúng hơn ai mà vì mối quan hệ, tình cảm của cả hai quan trọng hơn chuyện thắng-thua, thiệt-hơn trong tranh cãi. Khi gặp người mình thương yêu thật sự và thật lòng, chúng ta sẽ sẵn sàng bỏ qua mọi quy tắc của bản thân để làm những điều điên rồ mà trước đó dù có trong mơ cũng sẽ không bao giờ xảy ra. Ngược lại, khi đối phương cảm nhận được tình cảm thì họ cũng sẽ cư xử rất khác. Khi nghe câu trả lời có phần lý-thuyết-tất-nhiên của tôi thì anh bạn tôi đã cười hô hố và bảo: “Tụi mày hay thiệt! Anh chả nhịn được ai hết”.

Trên đời có nhiều sự so sánh khập khiễng nhưng mang tình yêu thương ra so sánh với nhau là điều khập khiễng nhất. Cơ bản thì mỗi người chúng ta đều dành cho những người khác nhau những tình yêu thương khác nhau. Không ai giống ai. 

Tôi phải thừa nhận mình là một người may mắn vì có được sự yêu thương của nhiều người: gia đình, bạn bè, anh em, đồng nghiệp… Mỗi người mỗi kiểu nhưng nó làm cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa và là sự an ủi, động lực mỗi khi tôi thất bại hoặc thất vọng. Tôi nghĩ rằng sự yêu thương của họ dành cho tôi rất lớn và không điều kiện vì tôi thuộc dạng tính nết trái khoáy, ngang ngược.

Cũng vì được nhiều người yêu thương nên tôi cũng dành tình cảm của mình cho nhiều người và không đòi hỏi họ trả công. Rồi những người đó sẽ lại yêu thương những người khác nữa và tình yêu sẽ lan toả một cách vô điều kiện. 

Tại sao chúng ta không dành thời gian để yêu thương nhau một chút thay vì mãi ngồi lên án, chọc ngoáy, mắng nhiết, đay nghiến nhau! 

 

Anti-social

Bạn người yêu thường bảo tôi là một kẻ anti-social chính hiệu. Hay gọi theo cách thuần Việt một chút thì tôi là một thằng chống lại xã hội. Hầu hết bạn bè tôi cũng đồng tình với cái ý kiến ấy.

Cá nhân tôi không thấy mình đã làm gì chống lại xã hội cả. Ngược lại, một số việc tôi làm có khi còn thúc đẩy xã hội phát triển và làm cho cuộc sống mọi người đẹp hơn tí tẹo ấy chứ. Nếu để tôi định nghĩa bản thân mình thì tôi nhận định mình là một kẻ đứng ngoài lề những trào lưu thịnh hành của xã hội. Ví dụ, khi hầu hết mọi người rần rần vì những quyển sách đầy chiêm nghiệm, tâm sự, não tình của một cơ số nhà-văn-trẻ thì tôi nói đó là một mớ giấy nhảm nhí. Khi mọi người ca ngợi một ca sỹ kiêm nhạc sỹ tự nhiên nổi lên thì tôi thẳng thắng phán rằng hát dở ẹt, chính hắn đã “hiếp dâm không thương tiếc” đứa con tinh thần của mình. Hay khi mọi người đang nhốn nháo vì một talkshow mới ra thì tôi chỉ cần bật lên chưa đến 3 giây, nhìn thấy những người tham gia thì đã tắt ngay lập tức. Đó là những lúc bạn bè hỏi tôi: “Ê mày có biết trai nóng, gái sốt abcxyz nào đó không?” thì tôi hỏi ngược lại: “Ủa, nó là cái gì? có ngon bằng hotdog không?”.

Tôi cũng tự thấy thị hiếu cá nhân của mình hoàn toàn không nằm trong thị hiếu chung của xã hội hiện nay. Hầu như tôi đứng ngoài tất cả những trào lưu, phong trào của đại đa số người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng những thứ phong trào ấy quá nhạt nhẽo, hời hợt và thiếu đầu tư một cách nghiêm trọng. Tôi thích những thứ được đầu tư nghiêm túc và có giá trị thực sự để tồn tại theo năm tháng. Có lẽ sự dễ dãi đã ăn vào máu, vào suy nghĩ của đại bộ phận công chúng để rồi hầu hết chúng ta dễ dàng chấp nhận những món ăn tinh thần nhạt nhẽo, nhàm chán và (nói thẳng là) dở ẹt. Tôi đồ rằng chúng ta đã quá thiếu thốn những loại thực-phẩm-tinh-thần đến mức “đói khát” và sẵn sàng nhồi vào đầu chúng ta những thứ ấy. Có phải chúng ta đã đi qua cái “đỉnh” của thời kỳ vàng son trong đời sống văn hoá cách đây hơn chục năm và tuột xuống đáy của nó. Có vẻ đời sống tinh thần chúng ta đã qua cái thời “ăn ngon, mặc đẹp” và đến thời “đói kém”.

Nói tôi chảnh chó cũng được mà khó tính cũng ok. Tôi chưa chấp ai những chuyện ấy bao giờ vì có lẽ bản chất tôi không thích những gì hời hợt, nửa mùa. Cách đây gần 1 năm, một anh bạn nhờ tôi cho ý kiến về việc xuất bản sách, tôi đưa ra những tiêu chí nhất định phải có và nên có. Nếu có ai đó mới ra sách lần đầu mà nghe lời “xúi dại” chắc chắn sẽ chửi tôi là 1 thằng tâm thần vì những thứ tôi đặt ra cho anh bạn có phần hơi cao vời với 1 người không tên tuổi, chưa ra sách bao giờ. Đơn cử, tôi nói anh phải chọn một nhà xuất bản uy tín, có tên tuổi và bán bản quyền cho bên đó luôn. Một điều quá điên rồ! Tôi không biết anh bạn lấy đâu ra một cái núi niềm tin cực kỳ mãnh liệt mà tin tưởng vào lời “xúi dại” của tôi để rồi cuốn sách mất nhiều thời gian chỉnh sửa, lên ý tưởng, tìm nxb. Nhưng rồi cuối cùng một đứa con tinh thần của anh cũng đã ra đời đẹp đẽ, nguyên lành và là một thứ đáng để anh và những người góp phần làm ra nó tự hào. Thế thì cũng mừng vì sự khó tính và chống lại trào lưu của những con người gàn dở và ngông cuồng.

Tôi nghĩ mình không chống lại xã hội mà chỉ chống lại sự dễ dãi và hời hợt. Cá nhân tôi nghĩ sự khó tính và chống lại trào lưu của xã hội không có gì là không tốt cả. Hãy nhìn xem bây giờ chúng ta đang đọc, xem, nghe những gì? Chúng ta đang vục mặt vào cái ảnh nàng hoa hậu có một tư thế ngủ không đẹp mắt vì quá mệt mỏi rồi lên án, chê bai, gièm pha cô ấy. Chúng ta vô duyên vô cơ lên án, tẩy chay những con người mà mình chưa hề gặp dù chỉ 1 giây mà chỉ cần nghe qua “lời đồn đâu đó trên mạng”. Chúng ta đang quay cuồng theo những show diễn sặc mùi kịch bản dù biết rõ bản chất của nó mà vẫn ca ngợi hay chửi rủa. Chúng ta đang đọc những thứ sách được viết nhanh, viết vội bằng những câu nói cao siêu tràn lan trên mạng. Chúng ta đang nghe những bài hát chấp vá giữa đủ thứ phong cách, nguồn gốc để rồi rần rần soi mói xem chúng có phải là một thứ rác văn hoá hay không. Những người hưởng lợi là những kẻ đã tạo ra chúng và công chúng trở thành một con rối trong vòng xoáy lợi nhuận, tiền bạc, danh vọng. Có lẽ, tôi sẽ còn đứng ngoài lề rất rất rất nhiều trào lưu nữa vì chắc còn rất lâu chúng ta mới quay trở lại thời “ăn ngon, mặc đẹp” về mặt tinh thần.

Thôi thì tôi đành nhận cái danh hiệu ANTI-SOCIAL vậy!

IMG_0644