Sống có mệt không?

Nhiều khi mình thấy sống trong xã hội bây giờ mệt quá! Còn bạn thì sao?


Mệt không phải vì chuyện cơm áo gạo tiền mà do những thứ xã hội thực lẫn ảo áp đặt lên chúng ta. Nào là phải những nơi phải đến trong đời, những chuyến đi phải thực hiện trong đời. Những cuốn sách phải đọc. Những bộ phim phải xem. Nhưng việc phải làm trước 20, 30, 40, 50, 60, 70 tuổi. Những cung đường phải chinh phục. Phải 4 cực – 1 đỉnh. Những món ăn phải ăn. Những món rượu phải uống. Tất cả những thứ mình vừa liệt kê chỉ là vài ví dụ trong hàng nghìn thứ mà xã hội ảo áp đặt lên chúng ta vì đó là những thứ PHẢI LÀM TRONG ĐỜI. Nếu một ngày không được đẹp trời cho lắm (như sáng nay lúc mình viết entry này chẳng hạn), bạn chợt ngồi nghĩ lại những thứ mình đã và đang làm rồi so nó với những tiêu-chuẩn-vàng kia thì sẽ tự cảm thấy nhục nhã vì cuộc đời toàn thất bại thảm hại, chả có đáng sống và chỉ muốn chết liền ngay và lập tức cho rồi.

Đó là chưa nói đến những điều thế giới thực áp đặt lên chúng ta. Bạn có bao giờ bị áp lực phải được học sinh giỏi, phải ở trong top 5 hoặc top 3 của lớp, hay thậm chí phải đứng nhất lớp không? Bạn có bao giờ muốn cúp học một bữa nhưng vì cái sự con ngoan – trò giỏi mà chưa bao giờ dám “bùng” lớp? Đã có lúc nào đó bạn chỉ muốn táng vào mặt cái đứa bạn đang huyên thuyên trước mặt mình nhưng không bao giờ làm vì phải thảo mai thảo mộc với nhau? Hoặc giã có lúc nào đó bạn chỉ muốn hét lên giữa cuộc họp đại-gia-đình rằng “đừng xía vào đời tui nữa” khi họ hàng, dòng tộc cứ thúc giục có bồ, lập gia đình? 


Nói đến đây là thấy mệt quá mệt rồi muốn chết quách cho đẹp trời nhỉ!

Mình luôn nghĩ: “Fuck off all the standards!” Vì chẳng thấy thứ gì có thế áp vô đời mình được cả. Một ví dụ rất điển hình: mình rất thích đọc sách và một năm đọc không dưới 20 quyển sách các thể loại cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh (cao hơn số sách trung bình một người Việt đọc hàng năm khá nhiều). Nhưng mình chưa đọc quá 10% trong danh sách những cuốn phải đọc trong đời. Coi bộ đó là một sự thất bại siêu hoành tráng khổng lồ của một đứa thích đọc sách đấy. FUCK OFF! Mìn thích đọc gì thì đọc chứ chẳng cần phải chờ ai đó đưa ra một tiêu chuẩn phải đọc trong đời cho mình mò theo. 

Có nhiều bạn bè cứ luôn thắc mắc vì sao mình luôn vui vẻ, ít khi sầu thảm như chúng nó. Bí quyết rất đơn giản: Làm điều mình thích và làm thật tốt. Vậy đó. Đời mỗi người dài ngắm khác nhau nhưng túm chung lại thì vẫn là ngắn. Đâu có lý do gì mà cứ chạy theo mấy cái tiêu chuẩn xàm xí của mấy thứ thích chứng tỏ, thích thể hiện để cho thiên hạ thấy mình thành công hay đời mình đáng sống. Mình chả bao giờ có ý nghĩ sẽ đọc hết mấy cuốn sách phải đọc trong đời hay chinh phục 4 cực – 1 đỉnh khỉ khô gì đó đâu. Đời mình đáng giá là mỗi khi cùng nguyên nhóm “chiến đấu” ở cty cho hết công việc. Cuộc đời mình thành công là sống với người yêu mỗi ngày và làm được những điều mình đã hứa với người ấy. Chỉ cần như vậy thôi thì đã đủ vui và hạnh phúc hơn là làm mấy chuyện chạy theo phong trào kia. 

Sống cho mình chứ có phải cho thiên hạ hay mạng xã hội đâu mà phải cố “mặc” cho vừa “tấm áo” thiên hạ may cho họ chứ không phải cho mình. Vậy thì bản thân phải thấy thoải mái, vui, hạnh phúc mỗi khi làm cái gì đó trước đã. Chúng sinh nói gì cứ mặc kệ!

Cùng là một nhưng khác nhau

Mấy hôm trước mình mới xem bộ phim The Dressmaker có nàng Kate đóng. Nói thiệt là không nghĩ nàng sẽ đóng một vai “bựa” kinh khủng như vậy. Nhưng nói chung thì phim coi vui, nàng đóng rất bệnh. Và mình thích điều đó!

Đến phần credit phim thì mình mới biết phim này chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên. Dạo này có vẻ kịch bản gốc hay đã trở thành hàng hiếm nên phim chuyển thể tràn rạp, tràn mạng luôn. Có lẽ là những dự án phim chuyển thể dễ thu hồi vốn và kiếm lời hơn vì nó đã có một lượng khán giả đã đọc sách và sẵn sàng ra rạp xem phim. Rồi cả những khán giả xem phim mà chưa đọc sách thì lại tìm mua sách sau khi ở rạp về. Nhà xuất bản, công ty sản xuất phim và tác giả đều có lợi. Còn khán giả có lợi hay không thì cũng hên xui lắm do nó phụ thuộc vào mức độ đầu tư của bên sản xuất.

Nói về sách và phim chuyển thể, theo thiển ý cá nhân, mình thấy hầu hết khán giản, độc giả đều mắc một sai lầm/thói quen xấu là so sánh hai sản phẩm ấy với nhau. Mình nghĩ dù nó có cùng một gốc thì sách và phim chuyển thể là hai thứ khác nhau và nên để cho chúng có “đời sống” riêng. Đừng đánh đồng rồi so sánh hơn thua giữa hai thứ ấy vì chúng có ngôn ngữ thể hiện khác nhau.

Sách sử dụng ngôn từ để thể hiện. Chữ nghĩa kết hợp với trí tưởng tượng của người đọc tạo nên không gian truyện, hình ảnh nhân vật, chi tiết không giới hạn. Nếu có giới hạn ở đây thì đó chính là trí tưởng tượng của mỗi người. Và có lẽ không phối cảnh, hình ảnh nhân vật, chi tiết suy điên của người đọc nào giống người đọc nào khác. Một vấn đề khác biệt nữa là cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề trong sách đặt ra mỗi người mỗi khác tuỳ vào lối sống và nhận thức của họ.

Trong khi đó, phim dựng lên sẵn khung cảnh, tạo hình nhân vật, tiến độ câu chuyện, chi tiết phụ thêm và người xem rơi vào thế “bị áp đặt”. Bên cạnh đó, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề trong phim chuyển thể là của biên kịch hay đạo diễn và khán giả một lần nữa cảm giác mình bị áp đặt. Hệ quả là họ thấy phim chả hay ho gì cả.

Nói về bản chất của sách và phim chuyển thể, nhà văn Yann Martel, tác giả tiểu thuyết Life of Pi, chia sẻ trên trang web The Talks như sau:

Has storytelling always been of interest to you? Have you always had a powerful imagination?

I read a lot in my childhood, in my teen years, and my early adult years. One of the foundational experiences of my youth was reading. Have you ever read Watership Down by Richard Adams? I remember that was an amazing book, it was so thrilling! But that’s not the only way to do it. Movies can also be thrilling. I remember the first time I saw Star Wars or the first time I saw Jaws when I was a kid. Movies can also be totally involving, but for me, it is a much more flattening experience. You’re passive. The spectacle they feed you is extraordinary — the images, the music — but what’s great about a book is that it’s so personally involving. You create the story when you read these little black squiggles on the page. Initially you’re suspicious but then you somehow fall into it.
Author Stewart O’Nan said that although writers create the story, it’s the reader who brings their whole life to it.

Absolutely. A reader brings his book to life. Cinema is highly manipulative, you know. If the camera focuses on a phone, you can damn well bet that that phone’s going to ring. And music, you know, in Jaws the cello tells you the shark is about to appear. Dun-dun. Dun-dun. People who don’t read are often middle-aged white men. They’re factually obsessed. They’re obsessed with ruling the world… And it’s their loss! Reading really is a rich way of living one’s life. It’s a great way of learning about the world. I’ve only been once to Russia. Everything I know about Russia, I got from Tolstoy, Dostoyevsky, Goncharov, Gogol, Turgenev… So, it is a wonderful way of travelling, in a sense.

Sau này, mỗi khi đi xem phim chuyển thể, chúng ta cần dẹp bỏ “định kiến” của bản thân về quyển sách để xem xét một góc nhìn khác của một người khác. Đừng đánh đồng sách và phim để rồi tự chuốc bực bội vào người. Thế đấy!

Chuyện mấy cuốn sách

Mấy hôm nay tôi tính mua một quyển sách mới phát hành gần đây vì mục đích công việc. Sau mấy lần tìm trên Tiki thì cuối cùng quyết định đi mua ở nhà sách. Số là tuần trước lên Tiki tìm thì không thấy, đến hôm nay tìm được với giá giảm 30% thì hết hàng hoặc chưa có hàng gì đó. Thế là tôi đành đi bộ ra Fahasa gần cty sau khi đi ăn trưa để mua.

  
Cũng đã lâu lắm rồi tôi không mua sách ở Fahasa nói riêng và nhà sách nói chung. Thường thì lên Tiki đặt hàng rồi ngồi run đùi chờ sách tới nhà thôi mà lại còn rẻ hơn Fahasa ít nhất 20%. Hôm đó, tôi mua ở Fahasa Tân Định trên đường Hai Bà Trưng (gần chợ Tân Định). Đón tôi ở cửa là một chú bảo vệ mặt đầy nghi ngờ và đề phòng thành phần đạo chích. Đi vào trong là một tập đoàn nhân viên trông cứ như các “siêu mẫu diễn mặt lạnh” (mà thật ra thì “mặt lạnh” của các siêu mẫu nước ta trông giống “mặt người bị bón 1 tuần” hơn). Tôi dáo dát đi xung quanh tìm quyển sách mình muốn thì cả nùi nhân viên đứng gần đó không ai buồn đến hỗ trợ hay hỏi 1 câu cho vui. Khi tính tiền ra về thì phải chờ cô thu ngân trong bộ áo dài màu hường cực sến lúc ấy đang kéo cao ống quần lên đầu gối gãi chân và chém gió với một đồng nghiệp nam khác khoảng 5 phút. Sau cô nàng ấy có thể vô ý vô tứ như thế khi tôi đang dứng lù lù trước quầy thu ngân. Thật là bó tay!

Quyển sách giá gần trăm ngàn. Cầm quyển sách trên tay đi về công ty, tôi chợt nghĩ phải chi mua ở Tiki thì tôi đã tiết kiệm được gần 30k (lúc đó Tiki đang giảm quyển này 30%) và không phải bực bội vì thái độ của nhân viên ở đó.  Rồi lại chợt nghĩ, một quyển sách có giá trị thật là bao nhiêu vì Tiki đã giảm quyển này đến 30% và có thể sẽ giảm nhiều hơn trong đợt chạy chương trình nào đó! Tại sao sách là thứ cần thiết cho cuộc đời mỗi người mà bị “làm giá” kinh khủng tới vậy? Tôi nghĩ không phải gia đình nào cũng có thể bỏ cả trăm nghìn mua một quyển sách cho con, em mình đọc khi có nhiều thứ vui, thú và miễn phí tràn lan. Mua giá nguyên gốc làm gì để rồi thỉnh thoảng những thứ đại diện cho văn hoá ấy lại bị đổ đống bán giảm giá rẻ mạt như những thứ đồ hư thối hoặc hết thời.

Tôi còn nhớ cách đây vài năm có một khảo sát rằng trung bình một người Việt Nam đọc khoảng 0,8 quyển sách mỗi năm. Xin thứ lỗi nếu tôi nhớ không chính xác con số nhưng con số đó thấp một cách ấn tượng cho một dân tộc luôn tự hào chăm chỉ, ham học, giàu văn hoá! Mà 2 năm nay tôi cũng chuyển sang đọc sách tiếng Anh là chủ yếu chứ sách ở ta giờ quá tệ, biên tập cẩu thả quá. Đến một công ty sách lúc trước nổi tiếng biên tập kỹ, dịch hay thì giờ cũng phải chạy theo miếng cơm và túi tiền để rồi chất lượng lao dốc không phanh. Thôi thì giờ cứ in sách tô màu nghệ thuật bán cho nhanh cho gọn nhỉ! Ai mà cần đến văn chương hoa mỹ nhân văn nữa! Thiệt là buồn cho sách…

À sẵn kể 1 chuyện về việc tôi đi mua sách ở Thái. Số là mỗi năm tôi đều được/bị bạn bè kéo đi Thái chơi. Tôi thường chọn những mùa vắng khách, không lễ hội để đi. Nếu khách đến Thái để mua sắm quần áo đồ đạc là chủ yếu thì tôi hầu chỉ có hứng đi lựa sách ở Kinokuniya. Lần nào cũng vác về cả chục quyển sách, tạp chí đủ kiểu mà nói k quá chứ tiền mua sách luôn chiếm khoảng 1/2 chi phí chuyến đi. Năm 2014, lúc tính tiền chồng sách tôi vác ra, đứa bạn đi chung hỏi nhân viên là mua nhiều vậy có được hoàn thuế hay không. Chị nhân viên đang tính tiến quay lên cười rồi nói sách có bị đánh thuế đâu mà hoàn. Điều đó làm tôi chợt nghĩ sách ở nước ta đánh thuế cao không? Sách nhập thì thuế bao nhiêu? Chứ còn ở Thái mua sách tiếng Anh rất dễ, nhiều và giá tương đương giá gốc trên bìa chứ không vượt trội nhiều. 

Cũng vì vậy mà 2 năm trở lại đây tôi hầu như đọc sách tiếng Anh vì chất lượng in ấn, giấy, biên tập đều rất tốt. Dù cho giá có cao hơn bản tiếng Việt ở nước ta nhưng bù lại chất lượng cao hơn rất nhiều so với cách làm ăn chụp giật trong nước…

Nghĩ cũng buồn quá ha! 

[Sách] Ngựa Thép – Phan Hồn Nhiên

Con Đường Tìm Lại Chính Mình
(Viết cho Esquire Vietnam số tháng 9-2015)

Cuộc đời luôn thử thách con người và làm họ thanh đổi

Phan Hồn Nhiên được biết đến với những tác phẩm mang phong cách kỳ ảo dành cho lứa tuổi teen như Máu hiếm, Chuỗi hạt Azoth, Luật chơi, Hiện thânNgựa thép (Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Giá bìa: 95.000 đồng) có lẽ là một tác phẩm khác biệt nhất của Phan Hồn Nhiên với những ý tưởng mới lạ và sâu sắc. Ngựa thép không là một tiểu thuyết dài mà gồm ba câu chuyện với những vấn đề khác nhau.

Phan Hồn Nhiên mở đầu Ngựa thép với Cơ thể. Đó là mối quan hệ vợ – chồng, mẹ – con, cha dượng – con vợ, chị – em và người yêu giữa người vợ tên Anna, người chồng tên Bách, người con là Sơn và cô em gái của Anna, Anne. Họ rơi vào vòng xoáy của những yêu thương, căm ghét, thù hận, tha thứ, bao dung, và quên lãng…

Tiếp theo là câu chuyện Bên bờ biển giữa hai anh em sinh đôi sống xa nhau nhiều năm. Người anh là một doanh nhân thành đạt, sống nguyên tắc và luôn cẩn trọng. Trái lại, người em luôn phiêu lưu, mạo hiểm và làm mọi việc một cách ngẫu hứng. Một ngày, hai anh em hẹn nhau trên một hòn đảo. Họ cùng ôn lại những kỷ niệm từ thuở nhỏ, những bí mật riêng tư. Họ phơi bày những nhận xét về nhau, những điều cả hai đã giấu trong lòng hàng chục năm qua.

Tập tiểu thuyết kết thúc bằng câu chuyện Pelikan với một nữ thiết kế đồ họa gặp tai nạn và bị mất một phần trí nhớ. Cô gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp hàng ngày và công việc vì đánh mất vốn ngôn từ cô tích góp sau bao năm sống. Số phận run rủi cô tìm đến nhà ngôn nữa trẻ S. để xây dựng lại kho ngôn từ của mình. Giáo trình S. chọn là quyển sách tên Pelikan kể về cuộc đời của một người đầu bếp. Mỗi buổi học, cả hai người cùng tìm hiểu một ít về cuộc đời của Pelikan, đồng thời cũng là một phần cuộc sống họ phải đối mặt hàng ngày.

Đặc điểm chung của cả ba câu chuyện là đều nói về những mối quan hệ giữa người với người. Chúng là quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em, những người xa lạ nhưng có cùng cảnh ngộ. Họ không có cuộc sống gia đình êm ấm, phải chật vật chống chọi với cuộc đời nguy khốn. Cuối cùng, có người bỏ cuộc nhưng cũng có người vẫn tiếp tục sống, tiếp tục chống chọi để tìm được hạnh phúc đời mình.

Ở tất cả câu chuyện, ngựa thép chỉ là nhân chứng trong một giai đoạn cuộc đời bão tố của câc nhân vật. Nó không dự phần vào số phận của họ nhưng lại có chỗ đứng trong tâm trí họ. Ngựa thép như một biểu tượng cho sự kiên cường, dám đương đầu và ước mơ của mỗi người. Họ mãi đi tìm chân lý sống, đi tìm hạnh phúc để tìm được bản ngã của chính mình.

Ngựa thép, Phan Hồn Nhiên dựng lên những nơi chốn mờ ảo, kỳ lạ đến mức người đọc khó có thể xác định được nơi chốn cho dù nó được gọi tên rõ ràng. Nó khiến người đọc bức bối, nghi ngờ không gian nhân vật sống của các nhân vật quá nghiệt ngã và khốn khó. Rồi những câu viết trúc trắc, khó hiểu càng làm tăng sự bức bối đó lên bội phần. Phan Hồn Nhiên dường như không nhân nhượng với nhân vật của mình khi đưa họ vào những hoàn cảnh khó khăn. Chị liên tục thử thách họ, nghiền nát họ để họ nghiệm ra được ý nghĩa của đời mình. Dù trong khung cảnh bình yên nhất cũng không khỏi vương chút cay đắng. Có phải vì bản chất cuộc sống cũng luôn khắc nghiệt như thế?

[Sách] Cơ bản là buồn – Nguyễn Ngọc Thuần

DES_ESQBOOKS

Viết cho Esquire Vietnam số tháng 6-2015

Tôi đọc Nguyễn Ngọc Thuần từ rất lâu. Quyển sách đầu tay được phát hành của anh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, dành cho thiếu nhi đã đoạt giải A cuộc thi Văn học Thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” lần 2. Đó là một quyển sách đong đầy sự ngây thơ, trong sáng của một đứa trẻ sống giữa một gia đình và những người hàng xóm tốt bụng. Qua thời gian, những câu chuyện của anh “lớn” dần và mang nhiều trăn trở, mang hơi thở thời đại và xã hội hơn. Tiểu thuyết là nỗi buồn từ hai chiến tuyến bởi chiến tranh xâm lược không chỉ gieo rắc đau thương, mất mát ở nơi bị xâm phạm. Cả hai phía đều có những nỗi buồn không thể gọi tên.

X, nhân vật chính, là một cô gái cá tính và tình cảm. X là một cựu bartender, DJ rồi cô chuyển sang làm công việc quan hệ với những khách hàng khó nhằn của một công ty để họ ký hợp đồng. Những bản hợp đồng được ký trên giường dần làm X mất mục tiêu của cuộc đời mình. Duyên số đưa đẩy X đến công việc phiên dịch và làm hướng dẫn viên nghiệp dư cho những cựu binh từng tham chiến tại miền Nam thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bản thân X cũng là con rơi của một chiến binh Mỹ với mẹ mình và chính điều đó đã tạo nên một mối liên kết vô hình, một sự đồng điệu giữa cô và các cựu binh.

Có nhiều lý do khiến các cựu binh năm xưa hăm hở quay lại nơi mình từng gieo chết chóc sau khi cuộc chiến kết thúc nhiều năm. Họ bị chiến tranh, bom đạn, cái chết ám ảnh. Những thứ đó bám theo họ hàng chục năm không buông tha và tạo nên một thứ thương tật tâm lý không thể chữa lành. Họ muốn về lại nơi mọi thứ khởi nguồn để mong có một kết thúc cho những ám ảnh năm xưa. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn còn lưu dấu và thậm chí dấu ấn của nó đã in hằn quá sâu đến mức khó có thể xóa nhòa. Những hồ nước bị nhiễm độc, những đứa trẻ dị dạng, căn bệnh ung thư, những cái chết đau đớn, sự ghẻ lạnh của người đời chính là bóng ma chiến tranh còn đang lởn vởn. Các cựu binh quay lại và đối diện với bóng ma ấy, rồi họ bị nó ám nặng hơn, khó thoát ra hơn.

Trong hoàn cảnh đó, X gặp John với biệt danh Mỹ Ngáp, một cựu binh Mỹ, và vợ ông. John muốn về lại huyện Vĩnh Cửu, Biên Hòa, để thăm lại nơi ông chiến đấu. Hơn hết, ông muốn chữa lành vết thương trong tâm của mình. Tuy nhiên, một người thông báo rằng John có một đứa con rơi với người đàn bà tên Huệ. Đứa con rơi ấy là kết cục buồn thảm của một cuộc tình giữa người phụ nữ Việt và một chiến binh. Đứa con mang di chứng chất độc màu da cam được đặt cho cái tên có phần trớ trêu: Hữu Nghị.

Nguyễn Ngọc Thuần mang lối viết đặc trưng của mình vào Cơ bản là buồn. Những câu chuyện lần lượt trôi theo tuyến tính thời gian, không quá nhanh cũng chẳng quá chậm. Nó như một dòng suy nghĩ và cảm xúc dâng lên theo thời gian rồi bột phát và bình lặng vào phút cuối. Những đoạn đối thoại giữa X và John cũng như những người xung quanh cô đôi khi như lời độc thoại nội tâm của chính cô. Những trường đoạn ấy làm người đọc cảm nhận sâu sắc hơn những suy nghĩ về hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược và những nỗi đau mà nó để lại. Nội dung quyển sách không chỉ gói gọn trong câu chuyện hậu chiến và hậu quả của nó. Nguyễn Ngọc Thuần còn “thổi” vào nó những câu chuyện đậm tính thời đại: tình yêu đôi lứa, sự đánh đổi của tuổi trẻ, đam mê và lý tưởng sống. Những đề tài này tuy chỉ được đề cập thoáng qua nhưng đủ dựng nên một bức tranh đa sắc trong cuộc sống những người trẻ.

Cơ bản là buồn dĩ nhiên sẽ mang đến cho người đọc những nỗi buồn khó có thể diễn tả. Nguyễn Ngọc Thuần từng tâm sự trên Esquire rằng: “Tôi chưa bao giờ có ý định viết về chiến tranh, bởi không biết gì về nó. Cho đến khi tôi trực tiếp gặp cậu bé tên là Hữu Nghị, một nạn nhân chất độc màu da cam. Một câu hỏi được đặt ra là, nếu cháu là con tôi, thì tôi sẽ nghĩ thế nào?”. Vậy còn cựu binh John nghĩ thế nào về đứa con rơi không nguyên vẹn của mình? Còn bạn, bạn nghĩ gì khi có một đứa con như thế? Bạn sẽ thương xót, đau đớn, giận dữ, xa lánh hay sẽ yêu thương đứa trẻ hết lòng?

Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu nhưng dấu vết của nó vẫn mãi còn hằn sâu trong tâm trí của nhiều người, nhiều thế hệ. Nó ám ảnh cả hai phía ở hai bờ chiến tuyến chứ không chỉ bên bị xâm lược. Cách tốt nhất để chiến tranh đi qua là quên lãng nó, tha thứ và yêu thương những con người bị nó ám ảnh.