Những người không trọn vẹn

Có một chuyện cứ lẩn quẩn trong đầu tôi suốt cả tuần nay mà chẳng thể nào ngưng nghĩ về nó được. Rồi trưa nay, tôi lại gặp một chuyện tương tự và nó lại làm tôi suy nghĩ. Đó là chuyện về hai người khuyết tật mà tôi gặp trong tuần này.

Người đầu tiên tôi gặp ở cửa hàng Circle K  gần công ty. Hôm ấy, đi loanh quanh không biết ăn gì cho bữa trưa muộn, tôi ghé vào Circle K mua mì trộn mang về văn phòng vừa làm vừa ăn. Đón tôi ở quầy thu ngân là một nhân viên đội nón hơi sụp xuống, giọng hơi yếu (có lẽ anh k nhỏ hơn tuổi tôi là mấy nên từ lúc này xin gọi là anh). Anh lấy yêu cầu món ăn của tôi, tính tiền rồi thối tiền lại một cách hơi lúng túng. Lúc ấy, tôi nghĩ có lẽ đây là nhân viên mới (vì thường mua mì ở đây mà chưa gặp lần nào) nên thoải mái, không hối thúc gì cả. Sau khi thanh toán tiền, anh bước sang quầy chế biến mì, hỏi kỹ càng yêu cầu cách làm mì, chiên trứng, rau của tôi thế nào rồi mới bắt đầu thực hiện. Tôi kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi của anh và trong đầu vẫn nghĩ đó là nhân viên mới nên cẩn thận như vậy cũng tốt. Khi anh trụng mì, tôi ngỡ ngàng nhìn rồi tim gần như thắt lại, trong đầu nổ ra nhiều câu hỏi khác nhau khi thấy một bàn tay của anh bị mất ngón cái và da bàn tay ấy có sẹo như từng bị bỏng nặng hoặc dính acid mạnh. Thấy cảnh anh làm phần mì một cách từ tốn, kiên nhẫn và rất có tâm, tôi mới nhìn anh kỹ hơn một chút thì mới nhận ra chiếc nón lưỡi trai đội sụp xuống để che đi chiếc kính và một con mắt trắng đục. Nhìn anh loay hoay với phần mì, tôi cười như để động viên anh và tỏ ý rằng anh chứ từ từ, không cần phải gấp làm gì. Khi anh làm xong, đóng hộp rồi giao hàng, tôi cười, cảm ơn anh và anh cũng cười đáp lại. Trên đường về công ty, trong đầu tôi lại nổ ra nhiều câu hỏi mà chẳng biết phải trả lời thế nào cho đúng…

Người thứ hai thì tôi vừa gặp ở tiệm sushi Hokkaido Sachi trên đường Nguyễn Trãi khi đi ăn với ba mẹ lúc trưa nay. Anh là nhân viên giữ xe ở quán. Lúc đi vào, tôi đang vội nên chỉ lấy thẻ xe mà không để ý. Khi ra về, tôi đưa thẻ và chỉ chiếc xe của tôi. Thông thường, nhân viên sẽ dắt xe theo hướng khách muốn đi như ở những quán khác. Tuy nhiên, khi anh đứng lên, bước tới chiếc xe của tôi thì tôi cảm thấy ái ngại và xấu hổ vô cùng. Chân anh bị tật, dáng đi xiêu vẹo giữa trời nắng để dắt xe cho một đứa lành lặn như tôi… Tôi ái nói với anh hãy để tôi tự dắt nhưng anh vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Tôi phải công nhận anh dắt xe rất gọn và có nghề dù chiếc xe của tôi nặng như quỷ. Trên đường về lại văn phòng, tôi lại suy nghĩ đủ chuyện đến mức rẽ nhầm đường.

Hai người đàn ông với hình hài không trọn vẹn đó làm tôi nghĩ đến những kẻ lành lặn nhưng không chịu làm việc, ăn bám xã hội hay đi ăn xin, nhờ cậy lòng trắc ẩn của người khác. Những người khuyết tật mà còn đi làm kiếm sống, để không phải dựa dẵm vào ai khác trong khi nhiều thành phần chỉ biết ăn không ngồi rồi, làm anh hùng bàn phím và những chuyện không đâu.

Tôi cũng thấy thích những nơi chấp nhận thuê nhân viên khuyết tật để tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm để kiếm sống và ngẩn mặt nhìn đời chứ không phải dựa vào sự thương hại của bất kỳ ai. Không phải công ty nào, quản lý nào cũng đủ kiên nhẫn và lòng nhân ái để chấp nhận những nhân viên như thế vì hiệu quả công việc của họ sẽ khó có thể bằng các nhân viên bình thường, khách hàng có thể sẽ không hài lòng khi phục vụ chậm hoặc có sai sót. Tôi nghĩ họ đã phải rất tâm huyết thì mới làm đc vậy nhất là trường hợp của anh nhân viên ở Circle K.

Tôi thực sự thán phục hai người đàn ông mà tôi may mắn gặp trong tuần qua. Họ dạy tôi biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa, làm việc tốt hơn nữa và không bao giờ được bỏ cuộc. Nếu một người có thân thể không nguyên lành mà vẫn đi làm, kiếm tiền, vui sống thì không lý gì một kẻ lành lặn mạnh khoẻ như tôi và nhiều người khác trong xã hội này lại không làm được. Họ đúng là những người đàn ông chân chính và chuẩn mực.